Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Về một số từ thường bị dùng sai

Để tránh tình trạng sử dụng từ ngữ một cách tùy tiện, khi viết bài, các nhà báo nên có thói quen tra cứu Từ điển Tiếng Việt.

"Tồn tại" là một từ bị rất nhiều người dùng sai. Ta luôn nghe được ở các hội nghị, hội thảo, trên báo chí và khắp nơi: "Đơn vị chúng ta năm qua đã hoàn thành tốt kế hoạch, tuy vậy vẫn còn một số tồn tại…", "Thời gian tới chúng ta phải kiên quyết khắc phục một số tồn tại…", "Tồn tại của chúng ta còn nhiều nên đã hạn chế thành tích chung …". Trong bản tự kiểm điểm công tác, nhiều vị cũng từng viết: "Bên cạnh những ưu điểm trên, tôi còn một số tồn tại…". Những câu nói, câu viết trên chứng tỏ tác giả đã đồng nghĩa "tồn tại" với "khuyết điểm", "nhược điểm" - những cái dở, yếu kém cần phải khắc phục. Rất nhầm. "Tồn tại" là một từ trong triết học chỉ tất cả những gì đang có, hiện hữu. Những cái đó đã tồn tại - tức là đã xuất hiện - nằm ngoài ý thức chủ quan của con người. Người ta muốn công nhận hay không công nhận cũng chẳng được. Mọi thứ vẫn cứ tồn tại. Ví dụ: trước mắt ta là một con đường đẹp, thẳng tắp, dù ai cứ cố tình phủ nhận cũng không có giá trị gì, bởi con đường đang tồn tại kia. Có thể có những kẻ cố tình không thấy công cuộc đổi mới của nước ta đã thu được rất nhiều thành tựu, cố tình phủ nhận, thậm chí xuyên tạc, nhưng công cuộc ấy đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở tất cả mọi lĩnh vực xã hội. Nó đang tồn tại kia. Người ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, sờ nắm được.

"Chủ nghĩa xã hội" là danh từ, còn "xã hội chủ nghĩa" là tính từ, không thể lầm lẫn. Vậy mà không ít người cứ nói: "Chúng ta xây dựng xã hội chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu …". Phải nói: "Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội…" hoặc " Chúng ta xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa …" (phải có hai từ xã hội liền nhau vì sau từ xây dựng - là động từ - phải là danh từ, chứ không thể tính từ).

"Cổ điển" khác xa với "cổ hủ", "cổ lỗ". Cổ điển là một phương pháp sáng tác của văn học nghệ thuật ở Pháp thế kỷ XVII. Rộng hơn, cổ điển chỉ những giá trị mẫu mực đã được thừa nhận qua các thời đại, ví như "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam. Còn cổ lỗ, cổ hủ chỉ sự lạc hậu, cũ kỹ. Nhiều người nói: "Các cụ ta ngày xưa quan niệm rất cổ điển về việc trai gái gặp nhau …". Phải sử dụng từ "cổ hủ" thay thế trong câu nói trên. Một nhà tuyên huấn đã nói chuyện trong câu lạc bộ tuyên giáo nọ: "Nếu chúng ta không thay đổi nếp suy nghĩ đến hôm nay đã trở nên rất cổ điển thì khó lòng tiến kịp thời đại…". Phải dùng từ "lạc hậu" thay thế từ "cổ điển" trong trường hợp trên.

Để chỉ những việc làm mờ ám, gian dối, biển lận, có tính chất che giấu để đạt được lợi ích cá nhân một cách không đàng hoàng, người ta dùng từ "khuất tất". Từ này không dùng để chỉ những việc làm dở, xấu chung chung. Nói: "Vụ án này cần phải được điều tra lại vì nhiều điều chưa được sáng tỏ do những người đầu tiên bắt tay vào điều tra có biểu hiện khuất tất" là chính xác. Nhưng nếu nói: "Kẻ phạm tội trả lời có nhiều điều khuất tất" là không chính xác. Từ này chỉ hành động, việc làm chứ không chỉ lời nói. Câu trên cần được nói (hoặc viết) lại như sau mới đúng: "Kẻ phạm tội trả lời có nhiều điều không đúng với sự thật, không khớp với những chứng cứ". Nói: "Bản thành tích của anh ta còn khuất tất" là không đúng mà phải nói: "Bản thành tích của anh còn đáng nghi ngờ vì chưa chắc đã đúng sự thật" hoặc nói: "Để có được bản thành tích này, anh ta đã làm những việc khuất tất". Hiện nay, không ít người đã dùng từ "bất cập" nhưng không hiểu rõ nghĩa nên đã dùng sai, rất lan tràn. Đâu đâu cũng nghe từ này. Cứ hơi không vừa ý điều gì là lại nói "bất cập" đến phát nhàm. Bất là không, Cập là tới. Trong câu thành ngữ: "Lúc thì thái quá, lúc thì bất cập", cần hiểu: Lúc thì quá mức (thái quá), lúc thì lại chưa tới, chưa đến độ (bất cập). Vậy "bất cập" là không tới, không đạt độ cần thiết. Như vậy, từ này không thể lạm dụng chỉ mọi sự yếu kém, chất lượng thấp được. Không thể nói: "Lô hàng này bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu". Trong câu trên, từ "bất cập" cần được thay thế bằng từ chất lượng kém. Nói: "Qua kỳ thi thử vừa rồi, thấy rõ học sinh trường ta còn bất cập" có đúng không? Không đúng. Phải nói: "Học sinh trường ta còn non yếu, chưa đạt yêu cầu đào tạo". Có thể nói: "Mặc dù đã rất cố gắng nhưng trình độ chuyên môn của chúng tôi vẫn còn bất cập". Cần hiểu là sau "bất cập" luôn có một cái mức yêu cầu nào đó cụ thể. Chưa đạt được mức đó là bất cập. Nói: "Tuy chúng tôi luôn cố gắng hết mình, nhưng hạnh phúc gia đình vẫn bất cập" là quá lạm dụng từ chúng ta đang bàn. Tóm lại, từ này chỉ có nghĩa hẹp, cụ thể, chứ không quá rộng. Hiện nay, có tình trạng quá lạm dụng từ này. Cứ điều gì chưa như ý, chưa thể yên tâm là nghĩ ngay đến từ "bất cập". Ở phần nhiều trường hợp, phải thay thế bằng từ "bất ổn" mới đúng.

Nhiều từ khác rất thường gặp trong giao tiếp hằng ngày chúng ta cũng hay nói sai: "Phong thanh" chứ không phải là "phong phanh". "Nghe người ta nói phong thanh" (tức là điều đó mới loáng thoáng, chưa được khẳng định rõ; "phong" là gió, "thanh" là tiếng. Nếu nói "nghe phong phanh" sẽ chẳng có nghĩa gì).

Đó là một số từ thường bị sử dụng nhầm lẫn, đã hạn chế tính thuyết phục của bài viết, bài nói. Mong rằng tình trạng trên được khắc phục. Cần rèn luyện thói quen dùng từ ngữ chuẩn xác và "đắt" trong từng văn cảnh