Hàng chục chương trình do thám William Binney, cựu Giám đốc kỹ thuật Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), là một chuyên gia phân tích và giải mã. Ông gắn bó với NSA trong 32 năm và chỉ từ chức vào tháng 10-2001 khi ông cho rằng chương trình gián điệp của NSA bắt đầu vi hiến. Theo Binney, NSA đã sử dụng một trong các chương trình do ông viết mang tên Thin Thread. Chương trình này được dùng để giám sát tất cả công dân Mỹ và được biết dưới cái tên Stellar Wind. Chức năng của Thin Thread là lần ra mọi hoạt động về điện tử từ các cuộc gọi, email đến lịch trình du lịch, phương tiện truyền thông… Những thông tin thu thập sẽ được xử lý, phân loại thành các hồ sơ cá nhân và cập nhật theo thời gian. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng bị theo dõi. “Chương trình này có thể giúp NSA biết rằng bạn đang làm gì và bạn làm việc đó với ai. Tôi thành thật xin lỗi người dân Mỹ vì chương trình đã xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền các bạn và có thể đã được sử dụng để nghe lén toàn thế giới”, ông Binney nói.
Cựu quan chức của NSA còn hé lộ về việc hợp tác giữa NSA với các cơ quan tình báo châu Âu. Trả lời phỏng vấn tạp chí Stern của Đức, ông Binney cho biết Cơ quan tình báo LB Đức (BND) đã hợp tác với NSA trong 20 năm qua. Từ những năm 1990, BND đã sử dụng phần mềm theo dõi Xkeyscore do NSA chuyển giao. Theo một số nguồn tin, NSA đã tiếp cận khoảng 500 triệu file dữ liệu do BND cung cấp hàng tháng. Chỉ tính riêng tháng 12-2012, khoảng 180 triệu file dữ liệu đã được Xkeyscore lưu lại. Cựu chuyên gia giải mã của NSA tiết lộ trung tâm lưu trữ được xây dựng tại tiểu bang Utah của Mỹ có thể chứa từ 40.000 đến 50.000 tỷ tập tin. “Trung tâm này có thể lưu giữ các cuộc trao đổi thông tin trên toàn cầu trong 100 năm”, ông Binney cho hay. Tất cả mọi thứ từ ghi âm các cuộc nói chuyện bằng điện thoại, thư từ điện tử và thậm chí cả tài khoản thẻ tín dụng từ khắp nơi trên thế giới đều được lưu trữ.
| Phòng làm việc của các nhân viên NSA. |
Những gì mà Edward Snowden tiết lộ chỉ là phần nổi của tảng băng. Thomas Drake, một cựu quan chức khác của NSA, cho biết chương trình Prism mà Edward Snowden công khai chỉ là 1 trong số 50 chương trình do thám của Mỹ. Hàng chục chương trình do thám trên hoạt động để cung cấp thông tin cho Stellar Wind. Drake chính là người tham gia xây dựng chương trình giám sát khác của NSA mang tên Trailblazer. Ít lâu sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, Drake đã bày tỏ quan ngại về về một chương trình giám sát được Chính phủ Mỹ đưa vào sử dụng với lý do để tăng cường các hoạt động ngăn ngừa khủng bố. Với việc làm của mình, ông đã bị truy tố theo Luật gián điệp chiến tranh thời Thế chiến I với tội danh xử lý sai thông tin quốc phòng. Các tiền bối của Snowden Chuyện tiết lộ bí mật liên quan đến các chương trình do thám của Mỹ vốn không phải chờ đến “sự kiện Snowden”. Tuy nhiên, hầu hết những vụ việc đều được Nhà Trắng xử lý êm thấm nên không được đông đảo người dân biết đến. Sau khi rời khỏi vị trí năm 2001, William Binney cùng các cộng sự là nhà phân tích thông tin J. Kirk Wiebe, chuyên gia máy tính Ed Loomis và Diane Roark, một thành viên Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ chuyên giám sát công việc của NSA, đã gửi một kiến nghị về việc làm vi hiến của NSA lên ban giám sát của Lầu Năm góc. Tuy nhiên, vụ việc không được tiến hành điều tra và chìm xuồng.
Năm 2006, Mark Klein, một chuyên viên về kỹ thuật truyền thông của nhà mạng AT&T của Mỹ đã công khai về cái gọi là kho giám sát NSA, nơi copy toàn bộ các giao tiếp thông qua hệ thống mạng của AT&T và sau đó được chuyển cho cơ quan tình báo. Chính phủ Mỹ mau chóng dập tắt một cuộc điều tra từ trong trứng nước với lý do vì an ninh quốc gia. Đến năm 2010, chính Thomas Drake và một đồng nghiệp của William Binney đã một lần nữa lên tiếng tố cáo về chương trình do thám của Chính phủ Mỹ. Nhưng để các văn bản chi tiết về các chương trình do thám bí mật của Mỹ đến với công chúng thì phải nhờ đến Edward Snowden.
Theo một số chuyên gia, Washington còn đang hướng đến những công cụ do thám hết sức tinh vi chứ không chỉ dừng ở việc theo dõi các cuộc gọi, email. Chính phủ Mỹ hiện đang cho phát triển một loại máy bay không người lái (UAV) công nghệ cao có kích thước chỉ bằng một con muỗi. Loại UAV này được trang bị bộ thu âm, camera và được điều khiển từ xa. “Con muỗi” này nhẹ nhàng đậu lên người của đối tượng theo dõi và có thể lấy mẫu AND hoặc cài thiết bị theo dõi công nghệ nano trên da. Chúng có thể bay qua các khe hở nhỏ để thâm nhập hoặc bám vào quần áo để theo vào những địa điểm cần theo dõi mà không bị phát hiện, không để lại dấu vết.
Trong cuộc hội thảo của tổ chức Dự án giải trình chính phủ ngày 25-7 vừa qua tại Mỹ có chủ đề “Những người tiết lộ, nhà báo và cuộc chiến mới”, William Binney, Thomas Drake, J. Kirk Wiebe đều tham dự. Tất cả những chuyên gia tình báo một thời của Mỹ một lần nữa lại lên tiếng phản đối những chương trình xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Họ kêu gọi bảo vệ Edward Snowden bởi theo J. Kirk Wiebe, “chúng ta đã trở thành kẻ thù của những người đang cố tình cản trở công khai sự thật”. ĐỖ CAO(tổng hợp) - Thông tin liên quan: >>Nga bác khả năng dẫn độ Snowden
|